Ngày 5-3, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ là trụ cột chính trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Trong phương hướng phát triển, tỉnh Thái Bình xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tỉnh này hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. 

Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Đồng thời, xây dựng Thái Bình trở thành địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía nam Đồng bằng sông Hồng cùng Bắc Trung Bộ. 

Khuyến khích đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; phát triển thương mại điện tử, logistics…

Đối với sản xuất công nghiệp, tỉnh Thái Bình tập trung phát triển theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến để đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý để thực hiện thành công quy hoạch tỉnh Thái Bình, cần phải hoàn thành tốt 8 nội dung gồm: tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.

Trong đó, phải tuân thủ những định hướng mà quy hoạch tỉnh đã đề ra cùng với các nhóm giải pháp thực hiện; linh hoạt trong thực hiện, nhất là trong những trường hợp cá biệt, cụ thể cần phải điều chỉnh cho phù hợp; quy hoạch được phê duyệt phải đồng bộ với hệ thống quy hoạch ở cấp dưới và những kế hoạch, đường hướng, mục tiêu cụ thể…; thấu hiểu là phải nắm rõ, hiểu rõ về quy hoạch để có thể tuân thủ thực hiện, linh hoạt và đồng bộ.

Đưa Thái Bình thành tỉnh phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Ông Nguyễn Khắc Thận - chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - nhấn mạnh nội dung quy hoạch được phê duyệt đã cụ thể hóa khát vọng đưa tỉnh Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. 

Đến năm 2050, là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng.

Ông Thận cho biết tỉnh cam kết đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh.

Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch tỉnh đã đề ra.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận hợp tác cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Nguồn :